Dù mắt đã mờ, tóc đã bạc, nhưng bà Hạng Thị Say vẫn gian nan tìm lại 4 người con, “một gái, ba dâu” bị lừa bán sang bên kia biên giới...
Theo bao phap luat đưa tin tại bản nghèo Suối Thầu, xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, chẳng có người mẹ nào lại phải chịu đựng nỗi bất hạnh, đắng cay vì tệ nạn buôn bán phụ nữ trái phép, nhiều như bà Hạng Thị Say.
Dù đã “lên chức” bà, tóc đã bạc, mắt đã mờ, nhưng hàng ngày bà vẫn phải làm lụng quần quật để nuôi thân, nuôi một đàn cháu thơ còn nhỏ xíu và quan trọng hơn cả là “nuôi dài hơi” nguồn tài chính cho chuyến hành trình gian nan tìm lại 4 người con, “một gái, ba dâu” bị lừa bán sang bên kia biên giới….
Nỗi bất hạnh khó tin của người đàn bà có 4 người con lần lượt mất tích
Tình cờ tôi biết đến hoàn cảnh đặc biệt của bà Hạng Thị Say trong một chuyến công tác dài ngày lên mấy tỉnh vùng cao ở tận cùng biên giới. Tìm đến căn nhà tồi tàn, lụp xụp nằm xiêu vẹo trên triền một dốc thoải sau dăm ba lần hỏi đường cùng những tiếng gọi cửa dài hơi, cuối cùng tôi cũng gặp được bà Hạng Thị Say với dáng người nhỏ thó trong bộ trang phục truyền thống của người dân tộc Mông đã sờn rách. Câu chuyện về cuộc đời đẫm nước mắt qua lời kể của chính người mẹ già tên Hạng Thị Say có đến 4 người con, “một gái, ba dâu” bị rơi vào tay bọn buôn người chỉ trong vòng vài năm ngắn ngủi.
Bà Hạng Thị Say – người phụ nữ dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên ở vùng đất Tả Phìn đã hơn nửa đời người. Tuy sống trong điều kiện thiếu thốn đủ thứ nhưng ngay từ nhỏ, bà Say đã biết chăm chỉ phụ giúp gia đình việc đồng áng, chăn nuôi và đặc biệt, bà rất hiếu học. Có lẽ đó cũng chính là lý do mà sau này bà trở thành một trong những giáo viên giỏi của bản Suối Thầu nhỏ bé. Ở tuổi đôi mươi, bà Say lập gia đình cùng một chàng thanh niên bản chất phác, sau đó sinh hạ được tất cả 6 người con, 2 gái và 4 trai. Thấm thoắt đó thôi mà cũng đã hơn bốn chục năm làm vợ, làm mẹ.
Hơn nửa cuộc đời trôi qua, ở cái tuổi gần đất xa trời, đáng ra phải được con cái chăm sóc phụng dưỡng, thì hàng ngày bà Say vẫn phải đều đặn lên nương lao động, kiếm cái ăn cái mặc cho bản thân và các cháu, thay cho thiên chức đáng ra thuộc về con gái và con dâu của mình. Khi được về hoàn cảnh của gia đình, bà Say cười nhạt, ẩn chứa những nỗi niềm đau khổ: “Người ta đã dụ dỗ hết những đứa con của tôi rồi, đẩy bà cháu tôi vào cảnh khốn cùng thế này. Không biết bao giờ chúng mới về được nữa. Bây giờ mấy bà cháu chỉ biết ngóng trông chứ chẳng biết đường nào mà tìm”, nói rồi bà đưa hai bàn tay thô ráp chai sạn nắng mưa của mình lên lau vội đôi dòng nước mắt đang chảy nơi gò má.
Bi kịch bắt đầu diễn ra với gia đình bà từ một ngày cuối năm 2009, sau một ngày làm lụng vất vả trên nương trở về, cả nhà bà bỗng không tìm thấy cô con gái út. Gia đình bà cùng hàng xóm láng giềng cũng dốc sức đi tìm khắp bản, khắp núi mà đứa con gái nhỏ xinh chưa đầy 15 tuổi của bà vẫn bặt vô âm tín. Ngày qua ngày, dù không muốn tin nhưng rồi bà cũng phải chấp nhận sự thật rằng con gái út của mình đã bị bán sang bên kia biên giới như bao nhiêu trường hợp tương tự đã xảy ra trước đó.
Trong khi nước mắt khóc thương cô con gái ruột còn chưa ngừng chảy thì trong hai năm liên tiếp sau đó, bi kịch mất đi những người thân yêu của bà lặp lại. Ba cô con dâu – vợ ba người con trai lớn của bà đều lần lượt mất tích như cô con gái út. Nỗi đau này chưa nguôi, nỗi đau khác đã ập đến. Số phận như một trò đùa dai dẳng khiến bà chỉ còn biết gào thét lên giữa núi rừng để vơi đi phần nào đớn đau và mất mát.
Khánh kiệt gia sản vì đi tìm con
Không chỉ phải chịu nỗi đau mất con, hoàn cảnh gia đình bà cũng bị đẩy vào bước đường cùng khi mà việc tìm con từ đất nước này sang đất nước khác tốn kém quá nhiều tiền tài và sức lực. Mỗi lần một đứa con của bà mất tích, gia đình bà lại nghèo thêm đi mấy phần. Món nợ cũng cứ thế mà dần tăng theo cấp số nhân, nhưng lại chẳng thấy điểm dừng cuối cùng.
Để cưới vợ cho ba người con trai, gia đình bà phải chấp nhận mất vài ba năm mới trả hết nợ phạt, bởi người dân tộc Mông có tục cướp vợ. Lấy một người vợ thông thường mất khoảng ba mươi triệu, với người dân tộc đó là một cái giá không hề thấp. Gia đình bà Say cũng không phải là ngoại lệ. Để cưới được vợ cho ba người con trai, gia đình bà Say đã tốn lên đến cả trăm triệu đồng. Thế nhưng, sau khi người con gái duy nhất bị bán sang Trung Quốc thì hai năm sau, ba người con dâu của bà cũng lần lượt bị lừa sang nơi biên giới xa xôi ấy.
Bà Hạng Thị Say vẫn hàng ngày ngóng trông tin tức của các con
Số nợ phạt để mua dâu còn chưa trả hết, nỗi đau người con gái út bị bắt đi vẫn chưa nguôi ngoai, thì nỗi đau mất đi ba người con dâu lại ập xuống. Thế nhưng những khó khăn nhọc nhằn đó vẫn không ngăn được người mẹ tên Hạng Thị Say chùn bước. Để tìm được con, dù trong nhà chẳng có tiền, bà  Say vẫn quyết đi vay mượn, bán dê, gà còn non để làm lộ phí. Bà đi khắp Sa Pa, Bảo Thắng, Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát, Mường Khương, đi sang cả Lai Châu, Hà Giang… thậm chí còn làm cả hộ chiếu để đi sang Trung Quốc tìm, mà các con của bà vẫn bặt vô âm tín.
Bà kể rằng, gia cảnh của mình vốn đã rất khó khăn, nên từ khi các con mất tích thì gia cảnh lại càng trở nên bi đát. Chồng bà vì thế mà cũng phải đi làm ăn xa, đi sâu vào trong các mỏm núi cao chót vót để kiếm kế sinh nhai. Còn lại bà một thân một mình tại Tả Phìn, ngày ngày đồng áng, chăm cháu rồi tìm con. Cả mấy tháng trời bỏ công bỏ sức, bỏ tiền bỏ bạc ròng rã tìm con nhưng vẫn không thấy đâu. Dù vậy chưa bao giờ bà hết hi vọng, cứ ở đâu có ai mách có người đi Trung Quốc về là bà lại đến hỏi xem có nhìn thấy con gái bà bên đó không.
Tìm hoài tìm mãi cũng chẳng thấy các con đâu, số tiền vay họ hàng làng xóm để đi tìm con cũng đã lên tới mấy chục triệu. Bà cũng nghe người ta gửi cả ảnh của con mình đến chương trình “Như chia hề có cuộc chia ly” nhưng chờ mãi vẫn chưa có hồi âm. Có những lần bà lặn lội sang tận biên giới, vào những nhà thổ nơi phụ nữ Việt thường bị bán sang đó làm gái mại dâm để tìm con. Dù đã trải qua cả những lần mạo hiểm vượt biên sang nơi xứ người như thế, nhưng con của bà vẫn chưa xuất hiện, chỉ có số nợ là từ con số hàng chục triệu cho đến hàng trăm triệu cứ ngày một tăng lên, đeo bám hành trình tìm con của bà như hình với bóng.
Kể lại hành trình tìm con đầy nước mắt của mình, bà Say cho biết: “Không biết người ta lừa chúng đi đâu, chẳng có tin tức cũng chẳng thấy tăm hơi. Chúng sống hay đã chết tôi cũng chẳng được biết. Sao mà chúng tàn ác quá, những đứa con của tôi có tội tình gì đâu mà chúng lại bị lừa hết cả”.
Cùng cực gánh cả cuộc đời
Mất con tất nhiên phải đau đớn, phải vật vã, phải hụt hẫng, phải thất thần, nhưng với bà Say, điều đó dù có đang ngày đêm giằng xé tâm can thì bà vẫn phải gắng gượng lao động, để nuôi một đàn cháu thơ ngây còn chưa biết rằng mẹ chúng đã bị bán sang Trung Quốc. Nhìn khuôn mặt hồn nhiên vô tư của các em không ai nghĩ rằng mẹ chúng bị mất tích cả. Các em còn quá nhỏ để ý thức được điều đó.
Thời gian đầu khi con gái mất tích, bà quay cuồng với công việc chăn dê trên núi, nuôi gà rồi lại nuôi gà, chăn dê cho khuây khỏa. Đến khi những đứa con dâu mất tích, bà lại khốn khổ hơn khi phải chạy vạy tìm lại con dâu, cũng chính là tìm lại vợ cho con trai mình, tìm lại mẹ cho những đứa cháu còn nhỏ dại. Ba anh con trai giờ mới ngoài hai mươi, các anh còn quá trẻ để chịu đựng mất mát. Bởi thế các con bà người thì bỏ đi làm thuê bốc vác trên núi Fansipang, mỗi đợt đi vài tuần mới về, người thì ở nhà lao động, ai cũng ngày càng trở nên lầm lũi, ít nói.
Lúc những người con của mình mất tích, các cháu của bà Say có đứa còn ẵm ngửa, có đứa mới chập chững biết đi. Bà Say phải vừa làm vị trí của một người bà, lại phải vừa thay thiên chức của một người mẹ. Đời sống của các dân tộc vùng cao chủ yếu là mô hình tự cung tự cấp, họ trồng ngô trồng lúa để lấy lương thực và để chăn nuôi, nên làm ra cái ăn cho mình đã khó, đèo bồng thêm ai khác rồi lại còn nợ nần chồng chất thì cuộc sống lại càng khó khăn hơn. Bà Say cũng thế, một mình phải gồng gánh nuôi một bầy cháu, rồi còn phụ chồng làm kinh tế trả nợ.
Trò chuyện, bà Say bảo, tuy bà không thể cho các cháu mình ăn ngon, mặc đẹp, nhưng chưa bao giờ bà để bọn trẻ bị đói. Gạo lấy trên nương, rau hái ngoài vườn, mấy bà cháu cứ nương tựa vào nhau mà sống. Có khi bữa ăn chỉ có cơm trắng trộn ngô với bát rau xào, bà cười xòa kể rằng đó đã là một bữa quá tươm tất so với những ngày mưa gió chỉ có cháo hoa loãng ăn với muối trắng.
Năm tháng trôi qua, bọn trẻ lớn lên trong vòng tay của bà Say, được bà cho ăn, rồi lại cho đi học và làm quen với việc không có mẹ. “Tôi sống tất cả vì các cháu, thương chúng lắm vì chẳng có bố, có mẹ ở bên. Giờ đây chúng chỉ biết trông vào tôi, vì vậy dù có ốm đau, tôi vẫn phải đi làm để kiếm cho cháu cái ăn qua ngày, không thì chúng đói mất…”, bà Say tâm sự.
May mắn rằng ông trời thương tình, “phú” cho những đứa cháu của bà luôn luôn khỏe mạnh, ít ốm đau, nên thâm tâm bà vơi đi lo lắng phần nào, thay vào đó lại có thêm động lực để bà kiên trì chiến đâu với số phận khắc nghiệt.
Không thể đoàn tụ
Chăm những đứa cháu nhỏ mà lòng bà nặng trĩu bởi ẩn sâu trong tâm thức, bà vẫn chưa bao giờ nguôi ngoai nỗi nhớ về các con của mình. Như cỏ xanh ngóng đợi mùa xuân tới, ngày ngày bà chỉ biết ra bậu cửa ngồi, đôi mắt thẫn thờ nhìn vào khoảng không vô định kiếm tìm một điều gì đó. Và rồi những mong mỏi bấy lâu của bà cuối cùng cũng được đền đáp khi Tết năm 2014, con gái út đã tìm được đường về thăm bà sau 5 năm biền biệt. Những tưởng rằng đây sẽ là một kết thúc có hậu cho một câu chuyện tìm con dài dằng dặc thì mọi chuyện lại chỉ dừng lại như một cuộc viếng thăm chóng vánh.
Cũng chỉ đến khi gặp lại con bà mới biết được con gái của bà bị bán sang kia biên giới làm gái mại dâm. Sau đó cô được một người đàn ông mua về làm vợ.“Con gái tôi trốn được về bản thì dân làng nói ra nói vào. Nó khóc vì ở đây mọi người không coi nó là người, họ chê bai và dè bỉu, họ xa lánh và kỳ thị. Nó về với tôi được ít ngày thì thấy nhục nhã và xấu hổ, không sống được với miệng lưỡi thế gian, nó lại bỏ tôi và con, lại vượt biên sang bên kia biên giới”, bà Say vừa kể vừa khóc to và nấc nghẹn thành tiếng. Người mẹ già không đủ sức giữ lại con, không đủ sức để chống lại định kiến, không đủ sức để bảo vệ con gái trước dư luận.
Dù mắt đã mờ, chân đã chậm nhưng bà Say vẫn làm lụng quần quật hàng ngày để nuôi thân, nuôi các cháu và đi tìm các con. Ảnh minh họa
Nhìn cháu mình đang nằm ngủ bình yên, nhưng trái tim bà Say vẫn không khỏi thấp thỏm lo âu khi nghĩ đến tương lai, khi mà mẹ của các cháu bà vẫn chưa thấy có ngày trở về. “Tôi sẽ tiếp tục tìm các con để về đoàn tụ với gia đình, để cho các cháu của tôi có mẹ, để cho các con trai tôi có vợ và để cả cho tôi cũng có con. Tôi sẽ tìm cho đến khi nào chân không đi được, mắt không thấy được nữa mới thôi. Cái tôi lo chỉ là mình đã già, không biết sống chết thế nào. Nếu đến lúc đó mà vẫn chưa tìm được con dâu, con gái thì những đứa cháu tội nghiệp của tôi sẽ ra sao…”
Bà Mảy Pham – Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai cho biết: “Mỗi năm có tới hàng trăm phụ nữ ở đây bị lừa bán sang Trung Quốc. Đa số họ bị bán sang Trung Quốc làm gái mại dâm. Có người phụ nữ nào may mắn quay về được thì cũng rất khó sống vì định kiến xã hội. Người ta cho rằng phụ nữ khi bị bán sang bên kia làm gái rồi là không trong sạch, họ sẽ tự động xa lánh và biệt lập những nạn nhân xấu số ấy. Vì vậy, số phận những người phụ nữ đã lỡ bị bán sang bên kia biên giới, dù có trở về được bản này thì cũng vẫn vô cùng khổ cực”.
Cập nhật tin nong trong ngay tại tintuc.vn

0 nhận xét:

Bài đọc nhiều nhất

Tổng số lượt xem trang

Bài viết mới